Subscribe Us

header ads

Luật sư Công Giáo: Tư vấn v/v công ty chậm trễ không chốt sổ BHXH?

Luật sư Công Giáo tư vấn luật miễn phí



1. Tư vấn viêc công ty không chốt sổ BHXH?

a. Trách nhiệm chốt sổ BHXH thuộc về ai?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động 2012 quy định rằng khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cùng những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ của người lao động. Từ năm 2021, khi Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực, quy định này vẫn được tiếp tục thực hiện.

Như vậy, việc chốt sổ BHXH cho người lao động là trách nhiệm bắt buộc của người sử dụng lao động.


b. Người lao động phải làm gì khi doanh nghiệp không chốt sổ BHXH?

Khi chấm dứt hợp đồng lao động, nhiều doanh nghiệp vẫn “chây ì” không chịu chốt sổ BHXH cho người lao động. Để giải quyết tình trạng này, người lao động có thể lựa chọn thực hiện một trong các cách sau:

Khiếu nại về BHXH

Theo quy định tại Điều 118 Luật bảo hiểm xã hội 2014, người lao động có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Việc khiếu nại về BHXH được thực hiện theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP. Theo đó, tại Điều 15, thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu về lao động thuộc về người sử dụng lao động. Thời hạn giải quyết là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý đối với các vụ việc thông thường (trường hợp đặc biệt lên đến 60 ngày).

Nếu quá thời hạn nêu trên mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người lao động không đồng ý với quyết định này thì có thể khiếu nại lần 02 tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần 02 đối với các vụ việc thông thường là 45 ngày kể từ ngày thụ lý (trường hợp đặc biệt thời hạn giải quyết có thể lên đến 90 ngày).

Nếu khiếu nại lần hai không được giải quyết trong thời hạn trên hoặc người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính (theo quy định nêu tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 24).

Như vậy, trong trường hợp công ty cũ cố tình không chốt sổ BHXH, người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến chính người sử dụng lao động. Nếu không được giải quyết hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết thì có thể gửi khiếu nại lần 02 đến Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.

Khởi kiện tại Tòa án

Nếu không muốn giải quyết bằng việc khiếu nại, người lao động có thể chọn giải quyết bằng cách khởi kiện tại Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Khoản 1 Điều 10 Nghị định 24/2018 quy định 03 trường hợp người lao động có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án:

- Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình;

- Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu;

- Đã hết thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.

Do đó, người lao động khi có một trong các căn cứ trên có thể trực tiếp khởi kiện tại Toà án yêu cầu giải quyết việc doanh nghiệp không chịu chốt sổ BHXH.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật lao động, tranh chấp lao động cá nhân phải tiến hành hòa giải trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, theo điểm d khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động 2012, tranh chấp về bảo hiểm xã hội lại là một trong những trường hợp không bắt buộc phải hòa giải.

Vì vậy, người lao động trong trường hợp này cũng có thể chọn giải quyết theo thủ tục hòa giải thông qua hòa giải viên lao động. Nếu không hòa giải được thì sau đó có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Từ ngày 01/01/2021, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động sẽ có thêm biện pháp giải quyết tranh chấp lao động về bảo hiểm. Theo đó, người lao động có thể lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động trước khi khởi kiện tại Tòa án. Việc giải quyết tranh chấp về bảo hiểm xã hội bởi Hội đồng trọng tài lao động sẽ không được tiến hành đồng thời với yêu cầu khởi kiện.


2. Chỉ còn 02 loại hợp đồng lao động từ ngày 01/01/2021

Từ ngày 01/01/2021, hợp đồng lao động chỉ được giao kết theo một trong hai loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Căn cứ quy định tại Bộ luật lao động 2019 thì từ ngày 01/01/2021, hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong 02 loại sau đây:

(1) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;

(2) Hợp đồng lao động xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;

- Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động xác định thời hạn đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ các trường hợp sau:

+ Hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước

+ Hợp đồng lao động đối với NLĐ cao tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 149 BLLĐ 2019.

+ Hợp đồng lao động đối với NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo Giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 151 BLLĐ 2019.

+ Trường hợp phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho NLĐ là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.


Luật sư Trần Minh Hùng

VPLS GIA ĐÌNH (Luật sư Thành Phố)

Trụ sở: 402A Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6, Tp.HCM (Bên cạnh Công chứng số 7)

5/1 Nguyễn Du, Biên Hòa, Đồng Nai (đối diện tòa án Biên Hòa)

68/147 Trần Quang Khải, Tân Định, quận 1, TP.HCM


Luật sư Công Giáo Trần Minh Hùng (Vpls Gia Đình)



Đăng nhận xét

0 Nhận xét